Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã xác định: Phát triển Chính phủ số là nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá nhằm cung cấp dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp, toàn bộ các cơ quan nhà nước chuyển sang hoạt động trên môi trường số.
Sử dụng dữ liệu, công nghệ số để thiết kế lại vận hành của Chính phủ nhằm giúp cho việc ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam hướng tới đạt chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên hợp quốc.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chính phủ số bản chất là Chính phủ điện tử, nhưng cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Chính phủ số bao hàm chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử đặc trưng bởi “bốn không”: Họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt.
Chính phủ số thêm “bốn có” gồm: Có hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế-xã hội.
Xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp Quốc năm 2020 tăng 2 bậc, đứng thứ 86/193 quốc gia, 23/47 ở châu Á và 6/11 ở Đông Nam Á. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cả nước năm 2020 đạt 30,86%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra. Tính đến ngày 20-8-2021, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cả nước đạt 65,11%.
|
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: NGUYỄN TRANG
|
Mạng truyền số liệu chuyên dùng cơ quan Đảng và Nhà nước đã kết nối đến 100% các bộ, ngành, địa phương; 100% quận, huyện, thị xã. Một số cơ sở dữ liệu tạo nền tảng đã được xây dựng như: Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm, hộ tịch điện tử, đăng ký doanh nghiệp, giáo dục... Trong đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã vận hành chính thức từ ngày 1-7-2021. Trục liên thông văn bản quốc gia đã được xây dựng, vận hành và phát huy hiệu quả trong việc trao đổi văn bản dưới dạng điện tử.
Hội thảo cũng đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng Chính phủ số, bảo đảm an toàn thông tin, triển khai cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hỗ trợ Chính phủ điện tử, cơ sở dữ liệu, chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, từ dịch vụ công trực tuyến thành dịch vụ số...