Chính phủ số: “4 không” và “4 có”
TS. Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã xác định phát triển Chính phủ số là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp đột phá nhằm cung cấp dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp, toàn bộ các cơ quan nhà nước chuyển sang hoạt động trên môi trường số. Sử dụng dữ liệu, công nghệ số để thiết kế lại vận hành của Chính phủ nhằm giúp cho việc ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam hướng tới có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên hợp quốc.
“Chính phủ số bản chất là chính phủ điện tử, nhưng cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Chính phủ số bao hàm Chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử đặc trưng bởi “bốn không”, họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt. Chính phủ số thêm “bốn có”, có hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội”, TS Phong nhấn mạnh.
Xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp Quốc năm 2020 tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 23/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao; Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cả nước năm 2020 đạt 30,86%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Tuy nhiên, thách thức an toàn thông tin với Chính phủ số là rất lớn khi số người sử dụng cư dân là rất lớn, trình độ đa dạng; thiết bị đầu cuối khác nhau và không thể kiểm soát tính bảo mật, chưa kể nhân lực hạn chế, trình độ khác nhau...
Bởi vậy, theo ông Vũ Kiêm Văn - Hội truyền thông số Việt Nam thì để nâng cao chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh và cải thiện thứ hạng quốc tế Chính phủ điện tử, đầu tiên phải nâng cao nhận thức bằng việc đào tạo kỹ năng số cho cán bộ công chức trong cơ quan nhà nước và lãnh đạo các doanh nghiệp, người dân. Cùng với đó, đầu tư phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng; kết nối trung tâm dữ liệu, hệ thống wifi, mạng MAN, hạ tầng di động 3G, 4G, 5G. Chính phủ số phải đi cùng với đô thị thông minh; đổi mới tư duy phát triển ứng dụng, kết hợp với cơ chế tài chính bền vững…
Kinh tế số: Tiềm năng rộng lớn
Ông Nguyễn Thế Quang, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, kinh tế số đang trở thành xu hướng phát triển quan trọng được nhiều nước nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Phát triển kinh tế số là cơ hội lớn để Việt Nam thu hẹp khoảng với các nước phát triển. Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá một trong những quốc gia phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN, và thực tế, nước ta chưa bao giờ được chứng kiến quá trình chuyển đổi số một cách nhanh và sâu sắc như năm 2020-2021.
Ông Toni Kristian Eliasz, chuyên gia giải pháp kỹ thuật số đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, kinh tế số chính là con đường dẫn tới tương lai của Việt Nam. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, nền kinh tế số của Việt Nam vẫn còn những điểm yếu như trong vấn đề đầu tư hạ tầng số, cơ sở dữ liệu còn đang phân mảnh cả chiều ngang lẫn chiều dọc, chuyển đổi số thì vẫn còn phân tán, tách biệt giữa các cơ quan, bộ ngành, địa phương…
Thừa nhận điều này, theo TS Nguyễn Thành Phong, kinh tế số phát triển tại Việt Nam chủ yếu vẫn là nền tảng giao dịch và được phát triển dựa trên các nền tảng sáng tạo đã có sẵn của thế giới như: Facebook, Google, Youtube, Grab, Gojek, Lazada, Shopee... Những nền tảng phát triển bởi Việt Nam còn hạn chế, tập trung chủ yếu ở các nền tảng thương mại điện tử. Khả năng cạnh tranh so với các nền tảng thương mại lớn của các tập đoàn/công ty đa quốc gia chưa thực sự cao; mức độ chủ động tham gia phát triển nền tảng kinh doanh tại Việt Nam cũng còn nhiều yếu kém và có phần tự phát. Bên cạnh đó, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Ngoài ra hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam nhận định hiện tại việc phát triển của các nền tảng số và các mô hình kinh doanh, kinh tế chia sẻ của Việt Nam đang phát triển rất rầm rộ như các nước trong khu vực, tuy nhiên về mặt khung pháp lý thì đâu đó vẫn có độ trễ nhất định tới 5-10 năm so với thực tế dẫn đến những quy định chồng chéo, làm cho tiến độ có thể đi nhanh hơn thì đang bị “mắc” lại. Bởi vậy, theo bà Vân, cần khuyến khích đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo, tích cực chuyển đổi số bằng việc đầu tư vào giáo dục, vào các start-up, hệ sinh thái khởi nghiệp; đi cùng với chuyển đổi số là thanh toán không dùng tiền mặt...