Thời gian qua, Việt Nam cũng đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử như xây dựng và đưa vào vận hành một số cơ sở dữ liệu quan trọng; đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người; một số Bộ, ngành đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức; chất lượng nhân lực về công nghệ thông tin của Việt Nam cũng được nâng cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0), khi các công nghệ số hiện đại dần dần làm thay đổi mọi hành vi, thói quen của con người, từ đời sống hàng ngày của người dân tới các mô hình kinh doanh mới của doanh nghiệp và hoạt động điều hành của Chính phủ, khái niệm Chính phủ số cũng đã xuất hiện và ngày càng được nhắc đến nhiều hơn.
Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả sẽ đề cập đến các khái niệm “Chính phủ điện tử”, “Chính phủ số”, mối liên hệ giữa 2 khái niệm này cũng như kinh nghiệm triển khai thực tế tại một số quốc gia và đề xuất cho Việt Nam.
Phần 1 - Khái niệm “Chính phủ số” trong mối tương quan với khái niệm “Chính phủ điện tử”
Quan điểm của OECD
Năm 2014, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) lần đầu tiên đưa ra khuyến nghị về các chiến lược Chính phủ số[1]. Trong đó, OECD phân biệt rõ giữa Chính phủ điện tử (nơi công nghệ được ứng dụng để cải tiến hiệu quả các quá trình hiện hữu) và Chính phủ số (nơi các dịch vụ được hình thành ý tưởng và cung cấp theo những cách đổi mới và sáng tạo nhờ có sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại). Cụ thể, OECD định nghĩa như sau:
Chính phủ điện tử (E-Government) là việc Chính phủ sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đặc biệt là Internet, như một công cụ để đạt được hiệu quả tốt hơn.
Chính phủ số (Digital Government) là việc sử dụng các công nghệ số, như một phần thiết yếu trong các chiến lược hiện đại hóa Chính phủ để tạo ra các giá trị công[2]. Quá trình này dựa trên một hệ sinh thái Chính phủ số bao gồm các tác nhân liên quan đến Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân, thúc đẩy sự tạo ra và truy cập dữ liệu, dịch vụ và nội dung thông qua sự tương tác với Chính phủ.
Quan điểm của Liên hiệp quốc
Báo cáo sơ bộ về khảo sát Chính phủ điện tử mới nhất năm 2018 của Liên hiệp quốc[3] (chưa phải báo cáo chính thức) cũng đề cập cả 2 khái niệm Chính phủ số và Chính phủ điện tử, nhưng ranh giới giữa 2 khái niệm này vẫn còn tương đối mờ, một vài chỗ gần như không có sự phân biệt. Tuy nhiên, có một điểm mới là trong báo cáo này, Liên hiệp quốc đã đưa ra một khung phương pháp luận mới để đánh giá Chính phủ điện tử của các nước, yêu cầu các nước phải có các ưu tiên về Chương trình chuyển đổi số (Digital Agenda) và các nguyên tắc về Chính phủ số (Digital Gov. Principles). Khung phương pháp luận mới gắn liền với các mục tiêu trong Chương trình 2030 của Liên hiệp quốc về phát triển bền vững. Đồng thời, báo cáo này cũng đưa ra khái niệm khung Chính phủ số (digital government framework) được minh họa tại Hình 1, bao quát các vấn đề và lĩnh vực khác nhau liên quan đến việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Dự kiến, báo cáo chính thức về Chính phủ điện tử năm 2018 của Liên hiệp quốc sẽ gồm 3 phần: (1) Chính phủ số giúp tạo nên sự bền vững và sự mềm dẻo; (2) Tình hình Chính phủ điện tử toàn cầu; (3) Các công nghệ phát triển nhanh đang tác động đến Chính phủ điện tử.
Đối với quan điểm của Liên hiệp quốc về khái niệm Chính phủ số, có một thông tin khác là từ tháng 3 năm 2018, Bộ phận chịu trách nhiệm đánh giá và xuất bản báo cáo về Chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc cũng được đổi tên từ Ban Quản trị công và Quản lý phát triển (DPADM) thành Ban Các tổ chức công và Chính phủ số (DPIDG), trong đó thành lập riêng một Nhóm phụ trách về Chính phủ số[4]. Tên gọi mới phản ánh sự sắp xếp, tái cơ cấu bộ phận này để phù hợp với Chương trình 2030 về phát triển bền vững. Sự thay đổi này nằm trong một kế hoạch cải tổ lớn hơn của Ủy ban các vấn đề kinh tế - xã hội của Liên hiệp quốc (UNDESA) nhằm hỗ trợ tốt hơn các nước thành viên thực hiện Chương trình 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Như vậy, trong quan điểm về xây dựng Chính phủ điện tử, Liên hiệp quốc đã có đề cập khái niệm Chính phủ số và trong định hướng tương lai, trước mắt là đến năm 2030 (chương trình 2030 hướng đến mục tiêu phát triển bền vững), Liên hiệp quốc đã coi như đây là giai đoạn phát triển tiếp theo của Chính phủ điện tử, thể hiện qua việc đổi tên bộ phận chịu trách nhiệm đánh giá và xuất bản báo cáo về Chính phủ điện tử thành Ban Các tổ chức công và Chính phủ số. Tuy vậy, Liên hiệp quốc chưa đưa ra sự phân biệt chính thức, rõ ràng về nội hàm của 2 khái niệm này như OECD, có những chỗ còn đồng nhất 2 khái niệm.
Quan điểm của Ngân hàng Thế giới
Ngân hàng Thế giới, tổ chức lớn nhất toàn cầu về đấu tranh chống đói nghèo và nâng cao mức sống của người dân các nước đang phát triển cũng có quan điểm tương tự OECD. Trong một báo cáo phối hợp thực hiện cùng Chính phủ Nga năm 2016 mang tên “Chính phủ số năm 2020: viễn cảnh cho nước Nga” [5], Ngân hàng Thế giới đã nhắc lại và nhất trí với quan điểm về Chính phủ số của hãng Gartner (Mỹ) được nêu dưới đây, đồng thời đi sâu phân tích và đưa ra những khuyến nghị cấp cao dành cho Chính phủ Nga (các đặc trưng chính của Chính phủ số theo quan điểm của Ngân hàng Thế giới được nêu tại Bảng 1). Ngân hàng Thế giới kết luận rằng nước Nga cũng như các nước khác, đều sẽ phải đối diện những thách thức về việc tạo ra một hệ thống mới nhằm giám sát việc ứng dụng CNTT – truyền thông (ICT) vào hành chính công, trong bối cảnh tìm ra mô hình trưởng thành phù hợp của Chính phủ số.
TT
|
Đặc trưng
|
Tính chất
|
1
|
Các nguyên tắc đối với dịch vụ của Chính phủ số
|
• Mặc định là số hóa
• Không phụ thuộc thiết bị, hướng tới thiết bị di động
• Thiết kế dịch vụ lấy người dùng làm trung tâm
• Số hóa hoàn toàn
• Chính phủ là nền tảng (Platform)
|
2
|
Các khối tiêu chuẩn (Building Blocks) của Chính phủ số
|
• Một cổng duy nhất
• Dữ liệu được tích hợp và chia sẻ trong toàn bộ khu vực công
• Các dịch vụ liên bộ, liên ngành hoặc liên vùng được chia sẻ
• Cơ sở hạ tầng của Chính phủ được dùng chung
• Các mạng cảm biến và khả năng phân tích dữ liệu được cải thiện
• An toàn thông tin mạng và bảo đảm tính riêng tư
|
3
|
Kỹ năng và yếu tố dẫn dắt của Chính phủ số
|
• Khả năng lãnh đạo và điều hành chính quyền
• Đổi mới trong nội bộ Chính phủ
• Thay đổi kỹ năng và văn hóa
|
Bảng 1: Các đặc trưng chính của Chính phủ số theo Ngân hàng Thế giới
Tháng 01 năm 2018, tại Hội thảo khởi động Chương trình đánh giá mức độ sẵn sàng Dữ liệu mở và Chính phủ số tại Việt Nam, đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết Chính phủ các nước đang nỗ lực đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời bảo đảm sự cạnh tranh trên thị trường, quyền riêng tư của công dân và quyền lợi của người tiêu dùng, tạo tiền đề cho Chính phủ số[6].
Quan điểm của một số hãng tư vấn CNTT: 02 hãng tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới là Gartner (Mỹ) và Ovum (Anh) đều đã đề cập khái niệm Chính phủ số với cách tiếp cận gần giống như OECD, cụ thể:
Hãng Gartner năm 2014 đưa ra định nghĩa Chính phủ số là: “Chính phủ được thiết kế và vận hành nhằm tận dụng dữ liệu số để tối ưu hóa, chuyển đổi và tạo ra các dịch vụ của Chính phủ”[7]. Năm 2015, hãng Gartner đưa ra khái niệm về mô hình trưởng thành của Chính phủ số (Gartner’s Digital Government Maturity Model[8]), trong đó đề cập 5 giai đoạn chính để tiến tới Chính phủ thông minh, được nêu tại Bảng 2.
Chính phủ
|
Điện tử
|
Mở
|
Tập trung vào Dữ liệu
|
Hoàn toàn số hóa
|
Thông minh
|
Mức độ trưởng thành
|
01
Khởi đầu
|
02
Đang phát triển
|
03
Được xác lập
|
04
Được quản lý
|
05
Tối ưu hóa
|
Giá trị cốt lõi
|
Sự tuân thủ
|
Sự minh bạch
|
Giá trị lập hiến
|
Sự chuyển đổi từ nhận thức sâu sắc
|
Sự bền vững
|
Mô hình dịch vụ
|
Phản ứng thụ động (reactive)
|
Bậc trung
|
Tiên phong chủ động (proactive)
|
Tích hợp
|
Dự báo
|
Nền tảng
|
CNTT là trung tâm
|
Khách hàng là trung tâm
|
Dữ liệu là trung tâm
|
Mọi vật là trung tâm
|
Hệ sinh thái là trung tâm
|
Hệ sinh thái
|
Chính phủ là trung tâm
|
Đồng sáng tạo dịch vụ
|
Nhận thức
|
Gắn kết
|
Tiến hóa
|
Yếu tố dẫn dắt
|
Công nghệ
|
Dữ liệu
|
Kinh doanh
|
Thông tin
|
Đổi mới sáng tạo
|
Công nghệ cốt lõi
|
Kiến trúc hướng dịch vụ (SOA)
|
Quản trị giao diện lập trình ứng dụng (API)
|
Mở bất cứ dữ liệu nào
|
Chuẩn hóa theo môđun
|
Trí tuệ (nhân tạo)
|
Thông số đánh giá chính
|
% dịch vụ trực tuyến
|
Số tập dữ liệu mở
|
% cải thiện về kết quả, KPI
|
% dịch vụ mới và lỗi thời
|
Số mô hình cung cấp dịch vụ mới
|
Bảng 2: Mô hình trưởng thành của Chính phủ số theo Gartner
Trong đó, Chính phủ điện tử chỉ là giai đoạn đầu tiên. Giai đoạn 2 là Dữ liệu mở, giai đoạn 3 là Dữ liệu làm trung tâm (data-centric), giai đoạn 4 là số hóa hoàn toàn, và giai đoạn 5 là chuyển đổi thành Chính phủ thông minh. Điểm mấu chốt ở đây là: Chính phủ số không phải là đích đến cuối cùng, mà là một phương tiện để hiện thực hóa các dịch vụ bền vững và giá thấp của Chính phủ.
Trong bản báo cáo năm 2016 về các xu hướng công nghệ của Chính phủ cần lưu ý[9], hãng Ovum đã kết luận các biện pháp của Chính phủ điện tử truyền thống đang dần trở nên lỗi thời, và các tổ chức đang ngày càng có nhu cầu triển khai Chính phủ số. Báo cáo cũng cho rằng các mô hình trưởng thành của Chính phủ số sẽ thay đổi theo quan điểm về phạm vi quyền hạn pháp lý Chính phủ. Một số tổ chức của Chính phủ đang nỗ lực tăng cường giao tiếp với người dân, còn một số khác vẫn đang vật lộn tìm cách cải tiến, nâng cấp các quy trình và hệ thống xử lý nội bộ.
Tóm lại, Chính phủ số dựa vào việc sử dụng và tái sử dụng các dữ liệu hoạt động, dữ liệu thống kê địa lý và phân tích nâng cao nhằm đơn giản hóa việc sử dụng các dịch vụ cho người dùng. Chính phủ số tạo ra thông tin từ dữ liệu để hỗ trợ và cải thiện quá trình ra quyết định và để tạo ra các dịch vụ công mới theo các mô hình mới đồng thời tăng cường tính hiệu quả và tiết kiệm chi phí vận hành trong dài hạn. Sự chuyển đổi và tiến hóa từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số được minh họa tại Hình 2, còn Định nghĩa Chính phủ điện tử và Chính phủ số của Việt Nam cũng như các tổ chức quốc tế được nêu trong Bảng 3 bên dưới.
|
Hình 2: Sự chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số
|
|
Chính phủ điện tử
|
Chính phủ số/Kinh tế số
|
Việt Nam
|
Chính phủ điện tử được định nghĩa chính thức tại Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam Phiên bản 1.0 (Ban hành kèm theo Văn bản số 1178/BTTTT-THH ngày 21/4/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông) như sau: “Chính phủ điện tử là Chính phủ ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp”
|
Chính phủ số chưa được định nghĩa chính thức tại Việt Nam
|
Ngân hàng thế giới (WB)
|
CPĐT nói đến việc các cơ quan của chính phủ sử dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi mối quan hệ giữa chính phủ với người dân, doanh nghiệp, và với các cơ quan trong chính phủ với nhau. (World Bank, 2002)
|
NHTG chưa đưa ra một định nghĩa thế nào là CPS. Báo cáo phát triển thế giới 2016 “Lợi ích số” đưa ra một khung xây dựng CPS, trong đó thể chế, kỹ năng, cơ sở hạ tầng số dùng chung là những nền tảng cơ bản nhằm tạo ra các giải pháp số cho chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Các nền tảng số này kết hợp với tầm nhìn lãnh đạo và chiến lược số sẽ tận dụng được các lợi ích số dựa trên tăng trưởng, việc làm, và dịch vụ
|
Liên hiệp quốc
|
Định nghĩa CPĐT: là việc sử dụng Internet và mạng toàn cầu để cung cấp thông tin và dịch vụ của chính phủ cho công dân. (Liên hợp quốc, 2006; AOEMA, 2005). Chính phủ điện tử chủ yếu đề cập đến việc sử dụng Công nghệ thông tin (CNTT), Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các công nghệ viễn thông dựa trên web khác để cải thiện và / hoặc nâng cao hiệu quả và hiệu quả của cung cấp dịch vụ trong khu vực công
|
LHQ chưa đưa định nghĩa rõ ràng về CPS, tuy nhiên trong bản khảo sát gần nhất về E-Gov, LHQ có đưa vào Khung Chính phủ số như công cụ chính để triển khai CPĐT
|
OECD
|
Chính phủ điện tử (E-Government) là việc Chính phủ sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đặc biệt là Internet, như một công cụ để đạt được hiệu quả tốt hơn.
|
Chính phủ số (Digital Government) là việc sử dụng các công nghệ số, như một phần thiết yếu trong các chiến lược hiện đại hóa Chính phủ để tạo ra các giá trị công . Quá trình này dựa trên một hệ sinh thái Chính phủ số bao gồm các tác nhân liên quan đến Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân, thúc đẩy sự tạo ra và truy cập dữ liệu, dịch vụ và nội dung thông qua sự tương tác với Chính phủ.
|
Gartner
|
Chính phủ điện tử là giai đoạn đầu tiên của 5 cấp độ: Chính phủ điện tử, chính phủ mở, chính phủ lấy dữ liệu làm trung tâm, chính phủ số, chính phủ thông minh
|
Chính phủ được thiết kế và vận hành nhằm tận dụng dữ liệu số để tối ưu hóa, chuyển đổi và tạo ra các dịch vụ của Chính phủ
|
Bảng 3: Định nghĩa Chính phủ điện tử và Chính phủ số của Việt Nam và các tổ chức quốc tế
(Bài viết sẽ được tiếp tục với Phần II - Nhận định về mối liên hệ giữa 2 khái niệm, kinh nghiệm thực tế triển khai Chính phủ số tại một số nước phát triển và đề xuất cho Việt Nam)