Công khai giá thuốc, điểm bán lẻ thuốc
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện 100% bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; 10 bệnh viện và 1 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim. Ngoài ra, một số bệnh viện đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán điều trị bệnh ung thư; gần 1.500 cơ sở y tế đã tham gia hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth)...
Đặc biệt, trong năm 2020, để phòng, chống đại dịch Covid-19, các ứng dụng khai báo y tế kiểm soát dịch bệnh, ứng dụng truy vết, bản đồ an toàn Covid-19 đã được áp dụng rộng rãi; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán điều trị Covid-19...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, thời gian qua, Bộ Y tế là đơn vị tiên phong, đi đầu về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống Covid-19. Trong năm 2020, Bộ Y tế tích cực triển khai văn bản điện tử, số lượng gấp 1,5 lần so với năm trước với hơn 55.000 văn bản; hơn 95% văn bản có chữ ký số; cập nhật 5/5 chỉ tiêu trên hệ thống báo cáo...
Về lĩnh vực công khai y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng chỉ ra rằng, trước đây, ngành Y tế luôn có nhiều điều tiếng về giá thuốc, trang thiết bị. Chính vì vậy, tháng 11-2020, lần đầu tiên, Bộ Y tế khai trương cổng công khai y tế, minh bạch toàn bộ dịch vụ y tế cung ứng cho người dân. Qua đó, bước đầu công khai trên 62.000 dược phẩm, hơn 17.000 trang thiết bị, vật tư y tế và hơn 93.000 kết quả đấu thầu, trên 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ y tế. Tới đây, Bộ Y tế sẽ từng bước công khai tất cả điểm bán lẻ dược phẩm, công khai giá thuốc, giá thực phẩm chức năng. Từ đó, giúp người dân dễ dàng tra được giá thuốc, so sánh giá bán tại các cửa hàng để có lựa chọn phù hợp nhất.
Với hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trước đây nhiều địa phương có phần mềm nhưng là "hồ sơ chết" vì không được bổ sung, cập nhật, không được cơ quan y tế sử dụng. Để khắc phục vấn đề này, Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thiết lập gần 98 triệu hồ sơ sức khỏe với 42 chuyên khoa điều trị ngoại trú.
"Từ tháng 7-2021, tất cả trường hợp khám, chữa bệnh ngoại trú sẽ phải có hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử, bỏ hoàn toàn hồ sơ bệnh án giấy, nếu không có sẽ không được thanh toán bảo hiểm y tế", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Hướng tới mỗi hộ gia đình đều có "bác sĩ của mình"
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với việc triển khai Telehealth, người dân không phải tập trung về Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác, góp phần giảm quá tải y tế tuyến trên. Nếu có thể kết nối mỗi bác sĩ với 200-300 hộ gia đình thì mỗi hộ đều có "bác sĩ của mình", được tư vấn khám bệnh từ xa, từ đó sẽ dần tiến tới mô hình bác sĩ gia đình kiểu mới.
"Y tế số có thể giải được bài toán chăm sóc sức khỏe cho mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc và cá thể hoá. Đây là mơ ước lớn nhất của nhân loại. Chuyển đổi số y tế có thể hiện thực hóa ước mơ này", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, không chỉ bây giờ mà từ nhiều năm trước, ngành Y tế đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và rất nhiều việc ngành theo đuổi đã có kết quả rõ rệt. Hội nghị này sẽ là dấu mốc quan trọng, làm rõ các định hướng, giải pháp để ngành Y tế tiếp tục thành công trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Tuy nhiên, muốn tận dụng lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngành Y tế phải quyết tâm hơn nữa. Cụ thể, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, đồng thời cần nhận thức, công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu, không thể thiếu trong phòng bệnh, khám, chữa bệnh.
"Chỉ bằng cách lập được hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý qua đó thì coi như mỗi người dân sẽ được cả hệ thống y tế theo dõi, quản lý. Đó là một mục tiêu hoàn toàn có thể làm được", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngành Y tế nói chung và chuyển đổi số y tế nói riêng cần hai thứ: Hành lang pháp lý, cơ chế tài chính phải cập nhật, thay đổi để giải quyết các vướng mắc; phải có lòng tin có thể làm được. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện thành công đề án khám, chữa bệnh từ xa có thể giúp đạt được mục tiêu mỗi người dân có một bác sĩ cũng như người dân có thể lựa chọn bác sĩ, cơ sở y tế, thời gian khám, chữa bệnh... theo nhu cầu. Mục tiêu cao nhất của chuyển đổi số là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.